Tôi có một người bạn, cô ấy cứ mỗi lần nhắc tới 01 người, là trong lòng bấn loạn, tức tối, cay nghiệt, sẵn sàng cãi nhau với những người xung quanh để tỏ ra không thích người đó. Đến nỗi đánh mất đi một ngày tuyệt vời, chả để làm gì, chỉ để tức…, buồn, rồi vô cớ giận dỗi với những người yêu thương xung quanh mình. Tôi thấy như vậy thật vô nghĩa, nhưng trong hoàn cảnh đó, có khuyên thế nào cũng vô ích, vậy theo bạn chúng ta nên làm gì để kéo người thân của chúng ta khỏi nỗi đau này ?
Bất giác tìm thấy lời Phật dạy, tôi mang lên đây chia sẻ lời Ngài, biết là khó để một sớm một chiều, chỉ mong một lúc thích hợp, có thể tâm sự và giúp người đó vượt qua được những tình cảnh này, để không biến sự bực tức người khác, thành con quái vật ngăn cản cô ấy tiến tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Không bực tức, thì làm gì có tức tối giận hờn? Tâm địa trống không, không có một vật gì, thì làm gì có tức tối?
Thực ra tức giận là cảm xúc mà bất cứ ai cũng từng trải qua.
Tuy nhiên, Phật khuyên mọi người chúng ta không nên nóng giận. Phật không phân biệt nóng giận vì có lý do chính đáng hay không chính đáng, hợp lý hay không hợp lý.
Ngài cũng không nói rõ là trong những trường hợp nào thì không nên nóng giận và cũng không bảo chúng ta phải dùng phương cách nào để diệt trừ cơn nóng giận.
Điều làm Ngài quan tâm là trạng thái tinh thần của con người khi nóng giận. Ngài biết rằng lúc nóng giận thì con người không còn đủ bình tĩnh để kiểm soát hành vi và ngôn ngữ của mình.
Dứt bỏ nóng giận để khỏi phiền não
Dứt bỏ nóng giận, diệt trừ tính kiêu căng, không luyến ái vật chất, không còn ham muốn dục vọng, sẽ giải thoát được mọi sự ràng buộc và không bao giờ bị phiền não.
Người dằn được cơn giận thật đáng khen
Biết dằn cơn giận đang lúc nổi lên, giống như người lái xe biết xe đang chạy quá mau thì bớt tốc độ lại. Như vậy mới là người lái xe giỏi.
Lấy ôn hòa thắng nóng giận
Lấy từ bi và ôn hòa để thắng nóng giận. Lấy hiền lành để thắng hung dữ. Lấy bố thí và lòng rộng rãi để thắng tham lam. Lấy chân thật để thắng giả dối.
Làm lành, bố thí để không giận hờn
Nói lời chân thật, Không giận hờn, Bố thí cho người đến xin, là ba việc lành đưa người đến cõi Trời.
Người hiền lương không làm hại ai, luôn luôn tự kiểm soát để kềm chế Tâm và Thân, thì chẳng còn sầu muộn và đạt đến trạng thái bất diệt của Niết Bàn.
Tu duyên dứt hết phiền não
Những người ngày đêm tu tập chuyên cần, tâm trọn vẹn hướng về Niết Bàn, thì mọi phiền não đều dứt sạch.
Cần kiểm soát hành động, lời nói và ý nghĩa
Phải luôn kiểm soát hành động, đừng nóng giận, đừng làm điều ác, và nên lo làm điều lành.
Phải nhớ khắc phục khẩu nghiệp, thận trọng lời nói, đừng cau có gây gổ, dứt bỏ mọi lời thô ác và chỉ nói lời hiền hòa nhân đạo.
Giữ gìn tâm ý, đừng để mắc sai lầm, đừng để giận dữ, đừng đến nhiều điều hung ác, chỉ nghĩ đến điều thiện và việc tu hành.
Người trí chẳng những lo kiểm soát Thân, mà còn lo điều phục Tâm và Ý nữa.
Cho nên đừng nên vì sự việc nhỏ nhặt mà gây ra chuyện hại người hại mình, tức tối la hét là hành vi của kẻ ngu muội.
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình – NXB Y học